Tết Nguyên Đán là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau sau một năm bận rộn; gác lại những bộn bề của cuộc sống để cùng nhau tận hưởng những phút giây hạnh phúc bên gia đình; thưởng thức những hương vị cổ truyền của dân tộc trong mâm cỗ đoàn viên. Nhắc đến Tết, cảm nhận không khí ấm áp của Tết, trong lòng mỗi người con Việt đều dâng lên những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến khó diễn tả hết thành lời.
Vậy theo quan điểm của đạo Phật, Tết Nguyên Đán có ý nghĩa như thế nào? Chùa Ba Vàng xin gửi tới quý độc giả bài viết dưới đây qua lời chia sẻ trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán hay còn được gọi là Tết cổ truyền; đây là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người dân Việt Nam.
Vậy, hiểu thế nào về ba chữ “Tết Nguyên Đán”? Nó được cắt nghĩa như sau: “Tết” là nghĩa của chữ “Tiết”, “Nguyên” là cái khởi đầu, cái nguyên sơ, cái ban đầu, “Đán” nghĩa là buổi sáng sớm. “Tết Nguyên Đán” là tiết khởi đầu, buổi sáng sớm khởi đầu và ngày mùng Một, tháng Giêng được nhân dân ta lấy là ngày đầu năm mới.
Ý nghĩa Tết Nguyên Đán
#1 Dịp gia đình sum họp, cúng lễ tiên tổ
Khi những bông hoa đào, hoa mai đến ngày rộ sắc khoe hương cũng là lúc lòng người chợt dâng lên niềm mong mỏi chờ đón năm mới với bao ước vọng. Bởi Tết về như mang đến sự hòa hợp, sum vầy, gắn kết. Đối với mỗi người con của dân tộc Việt Nam, Tết Nguyên Đán là dịp gia đình đoàn tụ, con cháu trở về cúng lễ tổ tiên, sum họp, quây quần cùng ông bà, cha mẹ sau một năm làm việc vất vả, bôn ba đây đó vì cuộc sống mưu sinh. Vì thế, Tết Nguyên Đán đã trở thành một ngày lễ tâm linh quan trọng trong đời sống người Việt, thấm nhuần vào tâm hồn mỗi người Việt Nam.
Tết thật lạ kỳ, tuy rằng nó vô tri vô giác vô hình, nhưng ẩn chứa trong sâu thẳm là cả hương vị nồng đượm, kết tinh tinh hoa văn hoá, đạo đức của con dân đất Việt.
#2 Là mốc đánh dấu sự đổi mới trong cuộc đời
Bên cạnh ý nghĩa gia đình sum họp, cúng lễ tiên tổ, Tết còn mang ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự đổi mới trong cuộc đời mỗi con người.
Theo quan niệm của đạo Phật, đời người giống như một dòng chảy và thời gian cũng vậy. Mỗi người đều có rất nhiều việc muốn thay đổi nhưng phải có một mốc thời gian nào đó để họ phát tâm, phát nguyện. Có người muốn sang năm mới sẽ có một điều gì đó thay đổi, nên họ phát nguyện lấy dịp Tết hay ngày mùng 1 Tết là ngày sẽ đổi mới để sống mới.
Có thể nói, Tết đến như một dấu mốc quan trọng trong đời người, kết thúc một năm đã đi qua, mở ra một năm mới với những thay đổi mới, chặng đường mới. Mỗi mùa Tết sang, nhìn lại bản thân, có lẽ nhiều người cảm nhận được mình của hiện tại đã khác mình của quá khứ, theo một hướng tốt đẹp. Vì vậy, Tết Nguyên Đán đã tạo thành cái hồn dân tộc thấm nhuần trong mỗi con người, đem lại rất nhiều thiện Pháp, lợi ích cho tất cả chúng ta.
Có nên gộp Tết Nguyên Đán và Tết Dương lịch?
Dân tộc Việt Nam thời phong kiến vẫn sử dụng lịch âm, cho đến khi thực dân Pháp sang xâm lược và đặt ách cai trị thì xuất hiện lịch tây. Ngày nay, Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa, văn hóa phương Tây tiếp tục có điều kiện du nhập mạnh mẽ vào nước ta nên có nhiều người đưa ra quan điểm gộp Tết Nguyên Đán cùng Tết Dương lịch để đỡ tốn thời gian, tiền của,…
Tuy nhiên, đối với quan điểm đạo Phật, việc gì lợi ích cho chúng sinh thì nên thực hành. Việc giữ Tết cổ truyền (hay còn gọi là Tết Nguyên Đán) đối với dân tộc Việt Nam chúng ta cũng vậy, nó mang lại ý nghĩa vô cùng nhân văn.
Bởi thứ nhất, Tết lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, bản sắc riêng của dân tộc. Thứ hai, Tết cổ truyền là Tết tâm linh, mang không khí thiêng liêng và ý nghĩa. Cho nên, nếu dân ta bỏ Tết cổ truyền sẽ làm mất đi một phần giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Còn Tết Tây đến với dân tộc ta không có tính chất tâm linh, chỉ là hoạt động giải trí vui vẻ.
- Phật sự công đức chùa Ba Vàng tháng 8 Nhâm Dần
- 3 điều quý giá tại khóa tu thiền: Điều số 1 nhiều người mong cầu
- 3 điều vị hành giả học Phật học được từ vật thực
- Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền
- Đại đức Thích Trúc Thái Minh làm Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình